CÔNG TY CỔ PHẦN CUNG ỨNG NHÂN LỰC TOÀN CẦU VINACOM MST: 0110338377 Địa chỉ: Số 43 Phạm Thận Duật, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội VPGD: Số 9 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội Email: [email protected] Hotline: 092.191.62.66

Văn hóa và con người của Chúng Tôi:

Lấy con người làm trung tâm chính là tôn chỉ hoạt động của VINACOM. Chúng tôi coi trọng chất lượng nguồn nhân lực, luôn ý thức cần nâng cao chuyên môn của tập thể cán bộ nhân viên. Bên cạnh đó, VINACOM cũng chú trọng quá trình đào tạo, phát triển năng lực, trình độ cho người lao động để có thể dễ dàng hội nhập với môi trường tại nước ngoài.

Thơ Hà Nội, nhưng không phải những bài nói về, hoặc gợi nhắc đến, hình ảnh một Hà Nội của sương mù trên Hồ Tây, liễu rủ mặt Hồ Gươm, cây cơm nguội vàng cây bàng lá đỏ, hương hoa sữa nồng nàn góc phố đêm đêm hay mái ngói rêu phong ấp ủ lời tình tự của chàng và nàng. Tóm lại, một Hà Nội cũ, đẹp và yên bình. Mà là thơ Hà Nội với hình ảnh của Hà Nội qua hai cuộc kháng chiến khốc liệt đạn bom, và cũng chỉ là một vài bài. Những bài thơ như là dấu tích của thời cuộc trên da thịt thành phố và trong cảm xúc của con người.

"Trước đau thương Hà Nội không buồn/ Hà Nội rắn như thanh sắt nguội". Hoài Anh, trong bài "Nhớ ngày Thủ đô kháng chiến" có một cảm nhận khá lạ về Hà Nội trong những ngày Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ phải đối mặt với sự trở lại của quân viễn chinh Pháp. Người Hà Nội tập trung ý chí, tập trung tất cả tình yêu với thành phố quê hương và sự căm hờn trước kẻ địch, nén nó lại trong trạng thái sẵn sàng đón nhận thử thách khốc liệt của lịch sử. Trạng thái ấy hiện hữu, và nó được tác giả vật chất hóa đến mức có thể cầm nắm được, như viên đạn trong nòng súng, như con dao mã tấu, như tất cả những thứ vũ khí thô sơ đã cùng người Hà Nội đi vào trận đánh. "Hà Nội rắn như thanh sắt nguội"- đó là một so sánh có vẻ ít chất thơ, nhưng lại diễn tả chính xác quyết tâm của Hà Nội trước giờ nổ súng. Và đây, khi lâm trận, thanh sắt nguội ấy đã bung ra với toàn bộ năng lượng được ghìm nén của mình: "Mỗi phố đánh Tây bằng đặc sản/ Phố Hàng Bát mang bát/ Phố Hàng Bông mang bông/ Đắp ụ ngăn xe giặc tới/ Giường Hồng Kông đôi vợ chồng mới cưới/ Những sợi bông còn vương vấn nhớ nhung ai/ Ghế xa lông bên giường tre chiến đấu/ Lý Thiết Quải trong tủ chè cũng nóng lòng khoa gậy đánh Tây/ Phố Lò Sũ mang áo quan chờ chôn giặc/ Một tiếng đàn rung trên chiến hào".

Nhà thơ Bằng Việt có lý khi cho rằng đoạn thơ trên là sự đặc tả theo kiểu cận cảnh đầy ấn tượng của điện ảnh. Không xuất hiện bóng dáng con người, chỉ có đồ vật và đồ vật. Đồ vật được bày ra ngổn ngang trong khí thế chiến đấu hừng hực. Nhưng điều đặc biệt là những đồ vật ấy, những chiến ụ ấy hình như vẫn chưa nhạt đi cái hơi thở vốn thuộc về một đời sống bình thường của chúng. "Giường Hồng Kông đôi vợ chồng mới cưới/ Những sợi bông còn vương vấn nhớ nhung ai"- trong mạch liệt kê đồ vật của đoạn thơ, chi tiết này được gảy ra có giá như một cú máy "cận đặc tả" tài hoa. Và ở toàn bài, không hiếm những cú máy "cận đặc tả" tài hoa như vậy.

Đoạn tả các tầng lớp nhân dân Hà Nội trong cuộc chiến đấu chẳng hạn: "Còn nhớ mãi không quên/ Anh ba gác chở bao gai chất đống/ Rồi lao xe ra ngăn lối xe thù/ Chị hàng rau quang gánh quẩy quân nhu/ Tiếp tế cho anh em đánh giặc/ Bác hàng thịt mài dao thật sắc/ Chờ ướm vào cổ họng giặc Tây/ Em Gavơrôt giấu thư trong thùng đánh giày/ Vừa chạy vừa đưa tin vừa hát/ Những cánh tay rồng nổi chàm xanh/ Đặt quả mìn cuối cùng xuống hố/ Những chị mặt tàn hương loang lổ vết son/ Cầm mảnh bom thay xà beng xúc đất/ Anh thợ tiện bị tù thời bí mật/ Nay thành chỉ huy quân sự liên khu/ Khuôn mặt cày sâu những vết đòn thù/ Anh đội viên đặt vào báng súng/ Ngón tay còn vết mực chưa khô/ Nhớ buổi học cuối cùng thầy trò ta xung vào tự vệ".

Không khó để nhận thấy ở bức tranh của Hoài Anh những đường nét hao hao với khung cảnh chiến lũy mà V.Hugo đã dựng lên trong "Những người khốn khổ", khi ông viết cuộc chiến đấu của nhân dân Paris những ngày diễn ra cách mạng Pháp. Nhưng nó vẫn có cái riêng, thể hiện ở những cú máy "cận đặc tả". Đó là vết son loang lổ trên khuôn mặt tàn hương của người con gái làng chơi, đó là vết mực chưa khô trên ngón tay của cậu học trò vừa xung vào đội tự vệ thành. Hà Nội lao mình vào trận đánh với toàn bộ những gì mình có (kể cả tính chất "nghiệp dư" của một đội dân binh nhiều thành phần).

Sự phân biệt giữa các tầng lớp và những định kiến xã hội bị xóa mờ trong cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội, ở đây chỉ tồn tại một ranh giới hằn lên bằng máu: giặc Tây/ người Hà Nội chúng ta. Người Hà Nội, dù họ là ai, sẵn sàng đổ máu khi Hà Nội nguy biến. Bởi thế, khi kết bài, tác giả mới có thể viết, như một tuyên ngôn của người Hà Nội về Hà Nội: "Ta mang ba mươi sáu phố phường đi kháng chiến/ Chín năm rừng, lòng vẫn Thủ đô".

Thời chống Mỹ, Hà Nội - đầu não của chính quyền miền Bắc Xã hội chủ nghĩa đã trở thành cái gai cần phải bị nhổ bằng bất cứ giá nào trong mắt kẻ địch. Những cuộc oanh tạc trên không với quy mô lớn diễn ra, những trận mưa bom trút xuống. Và hình ảnh một Hà Nội cắn răng chịu đựng đau thương, một Hà Nội kiên cường đánh trả không quân Mỹ đã từ đó đi vào rất nhiều bài thơ viết về Hà Nội giai đoạn này.

Nhưng hiếm nhà thơ nào lại viết lạ như Phạm Tiến Duật với bài "Ông già Thuốc Bắc" (1967). Nhà thơ giới thiệu nhân vật của mình: "Ông già bán thuốc bảy mươi tuổi/ Nghề nghiệp gia truyền của Hải Thượng Lãn Ông/ Bấy nhiêu năm ngủ kê sách thuốc/ Tài lương y đồn khắp một vùng/ Thời Tây, kệ Tây - thuốc, cứ thuốc/ Xã hội không ngoài ba mươi tư ngăn/ Đau bụng: trần bì; bổ tỳ: bạch truật/ Thời nào cũng bốc bấy nhiêu thang/ Sâm quy thục thơm một mùi ốm yếu/ Hà Nội xưa bệnh tật náu tường hoa/ Thuốc Tây về phố Tây, thuốc Bắc, thuốc Nam/ Lại về nhà cao xóm Nam, xóm Bắc/ Người nghèo đành gói bệnh trong da". Những câu thơ rất gần với văn xuôi, kể và kể. "Điểm sáng" có lẽ chỉ nằm ở hai câu: "Sâm quy thục thơm một mùi ốm yếu/ Hà Nội xưa bệnh tật náu tường hoa". Rõ ràng là tinh quái, song cũng rất tinh tế. Nó dựng lên một Hà Nội khá "cảnh vẻ" trong dáng nét xưa cũ của mình, một Hà Nội với những con người chừng như bất biến trước thời gian, những con người sống với đời nhưng sống cao hơn đời, ung dung tự tại và phần nào đó "khủng khỉnh" theo một cách rất... elite!

Thế nhưng: "Hôm nay bom Mỹ rơi Hà Nội/ Ông già ra trực ngã tư đường/ Phòng thuốc rời nhà, tủ làm ụ súng/ Mắt ông già lấp lánh như gương". Phu tử đã rời thư các, đã hòa mình với nhân quần khi Thủ đô lên tiếng kêu gọi, như bất cứ một người dân bình thường nào khác. Và chính từ sự dấn thân này, chính từ sự nhập cuộc này của nhân vật mà nhà thơ đã đọc thấy một biểu trưng: "Toàn thành phố thu mình trong báo động/ Hố cá nhân ôm trẻ con như tổ ong ôm nhộng/ Ông già đeo băng đỏ đứng bên trên/ Năm cửa ô cao xạ vang rền/ Hà Nội, đến tận cùng gốc rễ/ Đến tận cùng xưa cũ đã ra quân/ Kìa thùng nước ông già đem ra trận địa/ Giữa trời bay mùi cam thảo thơm lừng".

Hà Nội đánh giặc bằng "tận cùng gốc rễ", "tận cùng xưa cũ". Đó là cuộc chiến đấu tổng lực, chiến đấu bằng cả quân lực, tâm lực và những giá trị tinh thần đã làm nên niềm tự hào Thăng Long - Đông Đô ngót một nghìn năm lịch sử. Và điều đó cắt nghĩa cho chiến thắng của Hà Nội trong cuộc đọ sức với không quân Mỹ. Bài thơ có nhắc đến đạn bom, súng ống, còi báo động, nhưng điều lạ là không vì thế mà nó toát ra không khí của chết chóc đau thương.

Người ta chỉ cảm nhận rất rõ về một sự ấm áp nên thơ và hương vị cổ tích ở đây: ấm áp nên thơ của "Hố cá nhân ôm trẻ con như tổ ong ôm nhộng", hương vị cổ tích của "Kìa thùng nước ông già đem ra trận địa/ Giữa trời bay mùi cam thảo thơm lừng". Chọn được một góc nhìn, một mặt cắt độc đáo để nói về sự bất khuất của Hà Nội trong chiến tranh, có thể khẳng định, Phạm Tiến Duật đã trở nên độc đáo ngay từ trước khi ông giữ vai trò là lá cờ đầu của dòng thơ Trường Sơn thời chống Mỹ.

Những năm tháng Hà Nội căng mình chống trả đạn bom Mỹ, dễ thấy, Hà Nội đã vào thơ trong cảm hứng ngợi ca. Mất mát bao nhiêu, đau thương bao nhiêu, Hà Nội lại càng trở nên lớn lao bấy nhiêu. Nhìn từ chiều sâu lịch sử, Hà Nội của tơi bời đổ nát hôm nay bỗng chốc hóa thành biểu trưng của sự thiêng liêng, của điều vĩ đại.

Trong bài "Trở lại trái tim mình", nhà thơ Bằng Việt đã thể hiện rất rõ cảm hứng ngợi ca này. Thế nhưng, một người bạn thơ của ông, người đã in chung với ông tập thơ đầu tay "Hương cây - Bếp lửa" thì lại suy tư về Hà Nội, "Hà Nội ấy", theo cách khác.

Lưu Quang Vũ viết: "Viết lại một bài thơ Hà Nội", có thể nói, với đầy những trăn trở mang tính phản tư, và quả thực đây là "của hiếm" nếu xét ở thời điểm đó. Đoạn mở đầu, nhà thơ bày ra một Hà Nội như là bức tranh của những mảng màu đối chọi: "Thành phố tiếng cười, thành phố nước mắt/ Con gió đi về ngõ chợ mùa đông/ Những bầy ve suốt ngày hè kêu khát/ Những quả bóng màu bay mất/ Những mặt hồ vụt mở giữa trưa xanh/ Cái thành phố lam lũ mà chải chuốt/ Cứng cỏi mà đau xót/ hay nhớ và hay quên/ Nơi năm đói nghèo kéo về nằm chết/ Nơi những Giáng Kiều gặp gỡ Tú Uyên". Và đây nữa, hình ảnh của một Hà Nội như là hiện thực - mà - chúng ta - không hề - mong muốn: "Nơi tôi vào đời cùng với cuộc chiến tranh/ Những năm khó khăn/ Hè phố đầy hầm, tường đầy khẩu hiệu/ Quần áo và mặt người màu cỏ héo/ Thiếu ăn thiếu mặc thiếu nhà/ Người đợi tàu ngủ chật sân ga/ Trẻ con thiếu học hành dạy dỗ/ Các cô gái trở nên suồng sã...". Chất men của chiến thắng dễ khiến cho người ta say. Chất men của chiến thắng cũng dễ khiến người ta có xu hướng trừu tượng hóa, thậm chí không chấp nhận, không nhìn ra những sự thật có cơ làm giảm ánh hào quang của chiến thắng.

Nhưng, với con mắt "tiên tri thấu thị"- mượn chữ của nhà thơ Pháp A.Rimbaud - Lưu Quang Vũ đã sớm vượt qua cái "người ta thường tình" ấy để có cái nhìn đầy đủ về thành phố thân yêu của mình. Người đọc hôm nay không khỏi giật mình trước những suy nghĩ táo bạo của nhà thơ ở thời điểm vài chục năm trước: "Thật vô cùng tội lỗi/ Nếu ta thiếu lòng dũng cảm lớn lao/ Dũng cảm trước quân thù dũng cảm với nhau/ Để biến ước mơ thành sự thật/ Vết thương thành tiếng hát/ Mọi người thành anh em/ Người ta không thể sống bằng niềm tin đẹp/ Bằng áp phích trên tường, bằng những lời đanh thép/ Phải mang cho mọi người áo mặc cơm ăn/ Phải có nhà trường cửa sổ màu xanh/ Những bàn tay dám làm, những tấm lòng dám thật/ Cuộc đời chẳng dừng chân một phút/ Những điều hôm qua tưởng tuyệt vời tốt đẹp/ Đến nay thành không đủ nữa rồi/ Những người tốt tự bằng lòng với hôm nay/ Mai sẽ là kẻ xấu".

Kêu gọi lòng dũng cảm, và bản thân nhà thơ đã chứng minh lòng dũng cảm của mình, sự "dám thật" của mình bằng những câu thơ đầy trách nhiệm. Bởi thế, không có gì lạ khi bước vào thời kỳ đổi mới, với lòng dũng cảm và sự "dám thật" này, Lưu Quang Vũ đã làm "nổ tung" kịch trường Việt Nam bằng hàng loạt tác phẩm giàu tính chiến đấu.

Một thời đã đi qua, nhưng vết hằn của nó là vĩnh viễn trong ký ức Hà Nội. Đọc lại vài bài thơ để cùng thấy lại hình ảnh của Hà Nội trong quá khứ chưa xa. Và cũng là để chờ đợi những bài thơ về Hà Nội rồi đây sẽ được viết tiếp, những bài thơ độc đáo, những bài thơ vượt ra, thoát ra khỏi các nếp mòn quen thuộc nào đó và xứng đáng được coi là một phần di sản tinh thần của Thủ đô trong mai sau

VINACOM Kính chào Quý khách đến với Website!