Nếu giáo dục chỉ đơn thuần là dịch vụ thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Các thầy cô giáo nhiều thập kỷ qua vẫn nhiệt tình với học sinh dù lương bổng của họ chỉ gói gọn trong con số nhỏ nhoi. (Ảnh minh họa).

Mức lương xứng đáng với giáo viên sẽ là bao nhiêu?

Mới đây, một thầy giáo ở Nghệ An đã công khai tiền lương của mình lên mạng xã hội. Số tiền lương hơn 5 triệu đồng chắc chắn đã khiến nhiều người choáng váng. Lương thấp đã là một trong những vấn đề lớn của ngành giáo dục nhiều năm nay. Với mức lương này, nhà giáo phải dạy dỗ trẻ nhỏ, rèn luyện đạo đức, nhân cách, kĩ năng cho các cháu. Rõ ràng, đây là mức lương rất kém, không đảm bảo cuộc sống của thầy và không thể gọi là xứng đáng với công sức giáo viên đã dành cho trẻ.

Tuy nhiên, các thầy cô giáo nhiều thập kỷ qua vẫn nhiệt tình với học sinh dù lương bổng của họ chỉ gói gọn trong con số nhỏ nhoi vậy. Vậy nếu bảo giáo dục là dịch vụ, liệu với những yêu cầu của phụ huynh như: Dạy trẻ theo bài học của bộ GD quy định, giáo dục nhân cách, đạo đức cho trẻ, rèn luyện kĩ năng sống cho trẻ, phục vụ các yêu cầu của phụ huynh, nhắn tin thưa gửi, “vấn an” phụ huynh,… thì mức lương xứng đáng với giáo viên sẽ là bao nhiêu?

Giáo viên dạy trẻ ngoài vấn đề lương bổng còn là tình yêu với trẻ, với nghề giáo, trách nhiệm cống hiến cho xã hội. Phàm là con người, chẳng ai muốn mình trở thành vô dụng với xã hội. Vì thế, ngành giáo và ngành y có sức hút rất lớn dù lương bổng kém vẫn là điều ai cũng biết xưa nay. Giới trẻ bị hút vào vì đó là nghề thiện, mang lại lợi ích cho đời. Nếu giờ lợi ích nào cũng được đem đi cân đong đo đếm, liệu xã hội sẽ ra sao, bọn trẻ sẽ ra sao?

Cách đây chưa lâu, tin nhắn "OK" của một cô giáo cho một phụ huynh kém cô hơn 20 tuổi đã được cộng đồng mạng mang ra mổ xẻ. Lý do chính của việc mổ xẻ này là vì có khá nhiều phụ huynh quan niệm: Giáo dục là dịch vụ. Nếu dịch vụ thì khách hàng phải là thượng đế. Khách hàng không hài lòng thì “nhà hàng” đó phải bị dìm cho chết. Điều đặc biệt là trong tin nhắn đó, thái độ của phụ huynh trịch thượng, thiếu lịch sự với người lớn tuổi (một điều cấm kị xưa nay ở xã hội Việt Nam) đã không được phân tích sâu mà dường như chỉ tập trung công kích và tin nhắn trả lời OK của cô giáo.

Khi giáo dục trở thành dịch vụ, mọi quy tắc xã hội tốt đẹp sẽ bị đảo lộn: Trẻ hỗn láo với già đơn giản vì già là giáo viên còn trẻ là phụ huynh. Với một hiện trạng như vậy, liệu giáo dục có hoàn thành được mục tiêu tốt đẹp của mình là kiến thiết một xã hội văn minh lịch sự được hay không?

Giáo dục là dịch vụ. Khi đó, khách hàng là thượng đế. Nếu vậy, giáo dục là ngành kinh doanh có 1 sản phẩm nhưng 2 khách hàng. Lúc đó trẻ sẽ là thượng đế. Là thượng đế thì sẽ có quyền đòi hỏi, có quyền hạch sách. Liệu lúc đó giáo viên có thể dạy dỗ được các ông trời, bà trời con này hay không khi trẻ chỉ coi giáo viên như một thứ nhân viên phục vụ cho mình?

Là người sinh ra trẻ, cha mẹ cần xác định rõ nhiệm vụ của mình. Họ cũng cần hiểu rõ giáo viên chỉ có trách nhiệm hỗ trợ mình giáo dục con trẻ. Họ hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm gì sau khi trẻ rời lớp học. Vì thế, thay vì hạch sách giáo viên, coi rẻ nhà trường, đòi hỏi những thứ vô lý, phụ huynh hãy hiểu rõ trách nhiệm của mình và hãy ghi nhớ lời dạy của người xưa vốn chưa bao giờ sai:

Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy".

TS.Vũ Thu Hương (Giảng viên trường ĐH Sư Phạm Hà Nội)