Hội thảo “An toàn trong thiết kế cho quần áo và các yêu cầu đối với bán hàng tại Hoa Kỳ”

XUẤT HIỆN ĐIỂM SÁNG NHƯNG CHƯA HẾT KHÓ KHĂN

Năm 2023, trong khi nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động để tiết kiệm chi phí, Tổng công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) vẫn duy trì việc làm và thu nhập ổn định 9,4 triệu đồng/người/tháng cho 18.000 lao động. Năm 2024, TNG dự kiến nâng tổng công suất thêm 15% với việc triển khai thêm 45 chuyền may và tuyển thêm 3.000 công nhân, bắt đầu từ tháng 3/2024. Đồng thời, Công ty sẽ dịch chuyển hai nhà máy may Việt Đức và Việt Thái vào trong khu công nghiệp Sơn Cẩm nhằm tăng tính liên kết với các nhà máy phụ trợ, qua đó cải thiện hiệu suất tổng thể.

Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư – Thương mại – Dệt may Thành Công (TCM) gần như đã chạy hết công suất trở lại khi đã nhận khoảng 98% đơn hàng cho quý 1 và bắt đầu đón nhận những đơn hàng của quý 2/2024. Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT của TCM, cho biết tình hình đơn hàng sản xuất đã có sự cải thiện những tháng gần đây. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam là Mỹ, thường chiếm hơn 50% kim ngạch. Do đó, theo ông Tùng, sự phục hồi của ngành dệt may phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Là doanh nghiệp nhỏ và vừa, Công ty TNHH May mặc Dony (Bình Chánh, TP.HCM) đã có đơn hàng đến hết tháng 4 với khách hàng từ Mỹ, Singapore, Campuchia, Malaysia... Số lượng hàng xuất của công ty tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và doanh nghiệp đang đàm phán cho đơn hàng tới tháng 8 năm nay. Mục tiêu của công ty năm nay là tăng trưởng 15%. “Mới đây, khách hàng Trung Đông có hẹn báo giá cho đơn hàng số lượng khoảng 2 container 40 feet. Đây là hứa hẹn khởi đầu tốt cho năm 2024”, ông Phạm Quang Anh cho biết.

Trái ngược với bức tranh đang dần sáng màu của ngành dệt may, vẫn còn đó những công ty rơi vào cảnh khó khăn, không có đơn hàng, cho công nhân nghỉ việc  gần hết. Cụ thể, Công ty CP May Sài Gòn (Garmex Sài Gòn) khép lại năm tài chính 2023 với doanh thu gần 8,3 tỷ đồng, giảm 97% so với năm 2022 và lỗ sau thuế gần 52 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng đã lỗ trong 6 quý liên tiếp. Garmex Sài Gòn cho biết công ty hiện không có đơn hàng, nếu giữ sản xuất tại các nhà máy thì công ty sẽ lỗ rất nhiều. Vì vậy, doanh nghiệp này đã tổ chức lại bộ máy, cắt giảm lao động, tạm ngưng sản xuất để giảm thiểu thiệt hại.

Cũng như Garmex Sài Gòn, hoạt động kinh doanh của Công ty CP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) càng thêm khó khi xảy ra tranh chấp hợp đồng mua bán với “gã khổng lồ” Amazon. Nhờ lãi quý 4 đột biến, Công ty thoát được một năm thua lỗ khá ngoạn mục, với lãi ròng cả năm đạt 28 tỷ đồng, nhưng giảm mạnh 92% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất của GIL trong 17 năm qua, kể từ năm 2007.

Tương tự, Công ty TNHH Hansae Việt Nam - doanh nghiệp chuyên gia công đồ may mặc thể thao xuất khẩu tại khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi (TP.HCM) cũng cắt giảm lao động từ gần 11.000  xuống còn khoảng 2.500 công nhân. Dù đứng ngoài làn sóng sa thải, nhưng Vinatex buộc phải hy sinh lợi nhuận, cổ tức để giữ chân 62.000 lao động và đảm bảo lương không giảm quá sâu…

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 11-2024 phát hành ngày 11/03/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Xanh hóa là xu thế trung và dài hạn trên thế giới, nhà sản xuất và người tiêu dùng đều hướng đến trách nhiệm chung bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất. Những yêu cầu định tính về Xanh hóa đang được định lượng cụ thể hoá qua các chính sách với nhà sản xuất, người tiêu dùng, nhất là thuế, chính sách thuế xử lý chất thải, khí thải…ở các thị trường Mỹ và EU

Xanh hóa dệt may sẽ không thể có câu trả lời chung cho tất cả doanh nghiệp. Bởi vậy, doanh nghiệp cần bám sát thị trường, khách hàng để có chiến lược phù hợp, bài bản trong Chuyển đổi Xanh, gia tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành.

Xu hướng và thách thức xanh hoá ngành dệt may thế giới

Trên thế giới, xu hướng phát triển công nghiệp xanh tập trung vào 2 mục tiêu chính là hạn chế phát thải khí CO2, hóa chất độc hại từ các khu công nghiệp, khu chế xuất ra ngoài môi trường; đồng thời, nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng mới, sạch vào sản xuất công nghiệp, như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học máy móc kỹ thuật mới thân thiện với môi trường.

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp sẽ được đánh giá cao khi được coi là doanh nghiệp xanh, có nhà xưởng, khu công nghiệp xanh, có quy trình sản xuất xanh, tiêu tốn ít năng lượng và tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu phát thải, thân thiện với môi trường, điều kiện làm việc và hệ thống phúc lợi tốt cho người lao động, áp dụng các công nghệ mới, sạch, tự động hóa và sử dụng nguồn năng lượng tự nhiên (mặt trời, gió, nước…), hệ thống thông gió tự nhiên, các nguyên liệu có thể tái chế, thu gom và có hệ thống xử lí chất thải tốt giúp kiểm soát, xử lý lượng chất thải thải ra môi trường.

Trong các FTA thế hệ mới đều có cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp. Các sản phẩm nhãn hàng ngày càng được đánh giá khắt khe hơn về yêu cầu phát triển bền vững trên cơ sở mức độ tuân thủ của doanh nghiệp (DN) về môi trường, xã hội, trách nhiệm đối với người lao động, người tiêu dùng toàn cầu. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để DN hướng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm tiêu thụ trên thị trường thế giới, cũng như trong nước.

Trên thực tế, xu hướng chung là các chính phủ sẽ gắn trách nhiệm của nhà sản xuất hàng hóa nói chung, sản phẩm tiêu dùng nói riêng bằng việc đánh thuế trên số lượng sản phẩm tiêu dùng tại nguồn sản xuất và tại các kênh phân phối. Sắc thuế mới được áp dụng dẫn đến giá sản phẩm tăng lên. Những yêu cầu về trách nhiệm xã hội mới theo xu thế giảm thiểu phát thải carbon, sử dụng công nghệ sạch, vận động và hình thành văn hoá tiêu dùng mới… có thể dẫn tới giảm số lượng sản phẩm tiêu dùng. Nói cách khác, yêu cầu về chất lượng sản phẩm, tuổi thọ sản phẩm dài ra, khả năng tuần hoàn của sản phẩm, đặc biệt yếu tố ảnh hưởng môi trường của sản phẩm được nhấn mạnh và có sự dịch chuyển từ vận động khuyến khích, từ rào cản phi tài chính sang thành các rào cản tài chính cụ thể sẽ là xu hướng chủ đạo của thị trường hàng hoá thời trang trong thời gian tới.

Bởi vậy, thách thức lớn nhất trong trung hạn và dài hạn với sản xuất hàng hóa nói chung, sản xuất hàng gia dụng, tiêu dùng và dệt may nói riêng là ở chỗ: Yêu cầu về chất lượng, trong đó đặc biệt yếu tố ảnh hưởng môi trường của sản phẩm ngày càng được nhấn mạnh và trở thành tiêu chuẩn để lựa chọn nhà cung cấp; Đồng thời, cũng được thể hiện trong sắc thuế tài chính nhằm hạn chế lượng tiêu dùng, dẫn đến chi phí cơ hội tăng cao trong khi quy mô thị trường về mặt số lượng có nguy cơ giảm. Nhà sản xuất phải đối diện với thách thức bao gồm cả xử lý thay đổi công nghệ và việc từng bước tối ưu hóa quy mô sản xuất cho phù hợp với nhu cầu thị trường. Tất cả những điều này đều mang tính trung hạn và dài hạn và là chi phí mang tính đầu tư nên thời điểm quyết định đầu tư rất quan trọng. Các đầu tư này đều mang tính chất đầu tư lớn, có sự kết hợp các ứng dụng quan trọng của công nghệ 4.0 như tự động hoá, big data, sẽ chuyển hóa những ngành từ sử dụng nhiều lao động sang ít phụ thuộc lao động hơn. Cho nên, nếu đầu tư sớm trong khi giá cả thị trường đang chưa cải thiện thì không có điều kiện để cạnh tranh về giá. Nếu làm trễ sẽ nảy sinh câu chuyện bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng…

Vấn đề đặt ra là lúc nào làm, làm từng bước, làm khâu nào hay làm theo thứ tự nào trên hành trình “Xanh hóa” như cấu thành cốt lõi trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

Nếu đầu tư thay thế, ưu tiên trong ngắn hạn là đầu tư những cái tới hạn đổi mới thì bắt buộc phải nghiên cứu thay thế để đáp ứng yêu cầu mới: Xanh hơn, sạch hơn, ít lao động hơn và tạo sản phẩm chất lượng tốt hơn, tuổi thọ dài hơn.

Nếu đầu tư mới mang tính mở rộng phải hết sức cân nhắc để tốc độ đầu tư phù hợp với tốc độ phục hồi và mở rộng của thị trường.

Nói chung, doanh nghiệp cần bám sát thị trường, khách hàng để có chiến lược phù hợp, bởi câu chuyện Xanh hóa dệt may sẽ không thể có câu trả lời chung cho tất cả doanh nghiệp.

Động lực và giải pháp “xanh hoá” ngành dệt may Việt Nam

Ngành dệt may là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, giải quyết việc làm cho khoảng 3 triệu lao động và đang có đà tăng trưởng tốt, với xuất khẩu năm 2021 đạt mức 39 tỷ USD (tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019) và kỳ vọng sẽ hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 43,5 tỷ USD năm 2022 theo kịch bản tích cực nhất mà ngành đề ra. Hiện tại, trong ngành có 70% là doanh nghiệp may, 6% là sợi, 17% là dệt, 4% là nhuộm và hoàn tất, còn lại 3% là các đơn vị phụ trợ. Trong số đó, 85% doanh nghiệp may là gia công CMT (cắt-may-làm sạch) và 15% là thực hiện FOB, tức là doanh nghiệp chủ động từ nguồn hàng, máy móc, chi phí, nhân công cho tới khi chuyển hàng ra ngoài cảng biển.

Theo tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (WWF)-Việt Nam và Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), khái niệm xanh hóa ngành Dệt May mang ý nghĩa là ngành sẽ hoạt động theo hướng sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và giảm chất thải, loại bỏ các chất gây lo ngại và loại trừ phát sinh vi sợi; biến đổi cách thức thiết kế quần áo, bán và sử dụng sao cho có thể giảm thải ra tự nhiên; cải thiện triệt để khả năng tái chế bằng cách thay đổi thiết kế, thu hồi và tái sản xuất; hướng tới sử dụng nguyên nhiên liệu tái tạo. Chiến lược hướng đến chuyển đổi xanh bao gồm: Tiếp cận chuỗi cung ứng xanh sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên, giảm chi phí sản xuất song hành với giảm chi phí khai thác tài nguyên (cho nguyên liệu, nước, năng lượng và hóa chất) và phát thải nguy hại vào môi trường; áp dụng kinh tế tuần hoàn và sản xuất sạch hơn, giảm thiểu chất thải, cộng sinh công nghiệp hướng đến một nền kinh tế dệt may tuần hoàn nhằm loại bỏ các chất gây quan ngại và phát thải vi sợi; biến đổi cách thức thiết kế quần áo, bán và sử dụng sao cho có thể giảm thải ra tự nhiên; cải thiện triệt để khả năng tái chế bằng cách thay đổi thiết kế, thu gom và tái sản xuất; hướng tới sử dụng nguyên liệu tái tạo. Thiết kế sản phẩm xanh và nhãn sinh thái cho các sản phẩm dệt và may mặc thiết kế sản phẩm xanh, nhãn sinh thái cho hàng dệt may có thể thực hiện được trong toàn bộ quá trình sản xuất, bắt đầu từ các vật liệu tự nhiên sẽ đi vào sản phẩm và trong thiết kế có sử dụng sợi hữu cơ và thuốc nhuộm tự nhiên, vật liệu tái chế, sử dụng tối thiểu hóa chất và triệt để loại bỏ các hóa chất độc hại; phát triển kho vận xanh để vận chuyển và lưu trữ nguyên liệu và sản phẩm với chi phí thấp nhất trong khi vẫn duy trì các tiêu chuẩn cao nhất và giảm thiểu tác động đến môi trường, ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất sợi và giám sát chất lượng...

Trên thực tế, doanh nghiệp dệt may dứng trước nhiều áp lực và động lực “xanh hóa”, tăng cường ứng dụng các giải pháp tiết kiệm nguyên liệu và tài nguyên:

Thứ nhất, xu hướng phải “xanh hóa” quy trình sản xuất theo yêu cầu từ nhà mua hàng để giữ được đơn hàng. Hiện nay, hơn 250 nhãn hàng may mặc thời trang trên thế giới đã đưa ra các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử có trách nhiệm với môi trường với các nhà cung cấp. Theo kết quả điều tra người tiêu dùng ở quy mô toàn cầu của tập đoàn McKinsey tháng 4/2020, 60% người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho thời trang là xu hướng trong ngắn và trung hạn. Về dài hạn, 65% người tiêu dùng chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang cơ bản và lâu bền; 67% quan tâm nhiều về tính bền vững môi trường và xã hội của các nhãn hàng thời trang. Sức ép này từ người tiêu dùng sẽ là lực đẩy để các nhãn hàng cam kết và hành động cải thiện tính bền vững trong suốt chuỗi cung ứng của họ.

Thứ hai, “xanh hóa” giúp quản lý chặt chẽ hơn tiêu thụ năng lượng điện, nước, khí thải, nước thải, hóa chất, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả và năng lực cạnh tranh;

Thứ ba, những doanh nghiệp tham gia xanh hóa và kinh tế tuần hoàn sẽ được Nhà nước hỗ trợ thị trường tiêu thụ, hỗ trợ cho vay ưu đãi...giúp và tạo môi trường làm việc tốt hơn, xanh và sạch hơn, bảo đảm sức khỏe cho người lao động và cho toàn xã hội. Ngành Dệt May nằm trong số 20 ngành kinh tế đang được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn các tổ chức tín dụng đánh giá rủi ro về môi trường khi cấp tín dụng tại Sổ tay đánh giá các rủi ro môi trường và xã hội, ban hành tháng 8/2018. Vì vậy, ngành Dệt May cần xây dựng chiến lược phát triển ngành theo hướng xanh hóa sản xuất, BVMT, đáp ứng đầy đủ tiêu chí dự án đầu tư xanh theo quy định của Luật BVMT, làm cơ sở tiếp cận các chính sách tín dụng xanh hiệu quả.

Xanh hóa ngành dệt may không chỉ là vấn đề công nghệ. Xét về lâu dài, sự tăng trưởng có nghĩa là tính tới sự cân bằng các yếu tố môi trường, KT-XH. Sự chuyển đổi xanh ngành Dệt May sẽ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm nhẹ sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, cũng như giảm thiểu các ảnh hưởng bất lợi của quá trình sản xuất đến môi trường.

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) và USAID, ngành đã chi khoảng 3 tỷ USD mỗi năm cho tiêu thụ năng lượng. Thống kê cho thấy, dệt may chiếm khoảng 8% nhu cầu năng lượng của toàn bộ ngành công nghiệp và phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 mỗi năm. Đặc biệt, các quy trình xử lý ướt hàng dệt may (sợi, vải và hàng may) thường gấy bất lợi nhất cho môi trường vì sự thâm dụng nước cho các khâu giặt, giũ, tiền xử lý, nhuộm và hoàn tất. Nước thải xả ra với lưu lượng lớn và chứa nhiều hóa chất sau các quy trình xử lý. Nhiều loại hóa chất có thể được dùng trong sản xuất như thuốc nhuộm có chứa azo, PFOS và PFAS (các chất per- và poly-fluoro -alkyl) làm chất chống thấm nước, deca-BDEs làm chất chống cháy và clo để tẩy trắng. Những chất như vậy đều có tác động nghiêm trọng đến môi trường, an toàn và sức khỏe con người. Trong các cơ sở nhuộm và hoàn tất, tùy vào trình độ công nghệ và trang thiết bị, trung bình tiềm năng tiết kiệm tính mỗi tấn sản phẩm là khoảng 0,2 đến 0,5 kg thuốc nhuộm; 100 - 200kg hóa chất và các chất phụ trợ; 50 - 100m3 nước; giảm tiêu thụ khoảng 150 kg dầu và 50 - 150 KWh điện…

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, ngành dệt may đang hướng tới mục tiêu “xanh hóa” để chứng minh trách nhiệm xã hội với môi trường, đồng thời, mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Hiện nay, đa số doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng quốc tế ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa trong sản xuất” về thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải. Nhiều DN coi trọng đã coi trọng xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái, hệ thống tái sử dụng nước, điện...; thay lò hơi dùng than đá trong các nhà máy nhuộm bằng các nguyên liệu sinh khối khác, như trấu để giảm phát thải và nâng cao hiệu quả; ứng dụng phần mềm đo lường tác động môi trường trong nhà máy sản xuất ngay từ khâu phát triển mẫu để có thể đánh giá được các loại nguyên liệu, công nghệ tác động đến môi trường ra sao. Từ đó, đề ra kế hoạch sử dụng nguyên liệu và công nghệ ít ảnh hưởng đến môi trường. Các doanh nghiệp dệt may thành viên Ủy ban Bền vững VITAS đang có nhiều nỗ lực giảm tiêu thụ năng lượng và tiêu thụ nước, nhất là trong đó các khu công nghiệp dệt may...

Là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhưng sự đa dạng của các nguồn nguyên vật liệu dệt may trong nước còn hạn chế, làm giảm năng lực cạnh tranh của ngành. Hiện nay, năng lực sản xuất vải nội địa chỉ mới đáp ứng được 36% nhu cầu, thị phần vải nhập khẩu đang chiếm đến 64%. Như vậy, Việt Nam cần có một chiến lược bài bản để đa dạng hóa nguồn cung nhằm đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng dệt may bền vững đáp ứng yêu cầu mới.

Tư duy, chiến lược phát triển ngành Dệt may Việt Nam tập trung vào việc phát triển chuỗi sản xuất dệt may hoàn chỉnh với quy mô lớn, đầu tư vào thiết bị hiện đại, tự động hóa cao, sản xuất Xanh, sạch, thân thiện môi trường, có trách nhiệm xã hội… đồng thời, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như: Thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, phân phối để từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất.

Bên cạnh đó, theo yêu cầu của khách hàng, bản thân các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng chủ động hướng tới các phương thức sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao hơn, trong đó, việc chủ động hoạt động thiết kế, tự chủ nguồn nguyên liệu là yếu tố then chốt.

Để đáp ứng và tháo gỡ được điểm nghẽn ngày, cần tập trung phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước theo xu thế Xanh và tuần hoàn, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn về xác định nguồn gốc xuất xứ, cũng như các sắc thuế bổ sung có thể áp dụng trong thời gian tới như: cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).

Bên cạnh đó, để đẩy nhanh quá trình xanh hóa ngành dệt may, các DN cần chủ động đầu tư nâng cấp máy móc, công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin về thu nhận và quản lý dữ liệu giúp quá trình nhuộm dần ít phụ thuộc vào kỹ năng của người lập đơn công nghệ, ổn định chất lượng mẻ nhuộm, cũng như tăng cường tỷ lệ RFT (đúng ngay từ đầu) ở mức 95-98% thay vì 70-80% nếu không ứng dụng; mở rộng sử dụng rô-bốt trong việc trải và cắt vải giúp giảm nhân công tới 80% và tiết kiệm vật liệu 3%; xây dựng các khu công nghiệp dệt may lớn, tập trung theo yêu cầu Khu Công nghiệp Xanh, có hệ thống xử lý nước thải, bảo vệ môi trường... để đáp ứng phần nào về nguồn nguyên liệu cho ngành cũng cần là một trọng tâm ưu tiên của ngành trong thời gian tới.

Đồng thời, nhà nước cần có thêm các hỗ trợ thiết thực khác như đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật và truyền thông giúp ngành dệt may chuẩn hóa và nhân rộng mô hình chuyển đổi xanh; tăng cường tiếp cận vốn tín dụng cho dự án đầu tư xanh; triển nguồn nhân lực và tài trợ về mặt nghiên cứu đối với những dự án đầu tư xanh của doanh nghiệp; rà soát và tham khảo các tiêu chuẩn/yêu cầu quốc tế để thiết lập và cập nhật định kỳ các tiêu chuẩn và định mức của ngành dệt may về chất thải, tiêu thụ năng lượng, sử dụng nước, sử dụng vật liệu và hóa chất (danh mục các chất cấm sử dụng trong sản xuất, tuân thủ sức khỏe và an toàn) áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất trong ngành; tăng cường kiểm tra và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật môi trường;

Đặc biệt, cần tăng cường vai trò Hiệp hội phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng và triển khai các dự án cho mục tiêu xanh hóa dệt may, như Dự án “Xanh hóa ngành dệt may Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững" của Tổ chức Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) phối hợp với Hiệp hội Dệt May Việt Nam hay Nhóm Tài nguyên nước năm 2030 thuộc World Bank hoạt động ở Việt Nam từ năm 2016. Tổ công tác ngành dệt may thuộc nhóm được thành lập cuối năm 2019, do VEA,VITAS và MPI đồng chủ tịch, với mục tiêu xúc tiến xử lý tái chế và tái sử dụng nước thải ở các nhà máy trong khu công nghiệp nhằm góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước cho quốc gia.

Xanh hóa là yêu cầu bắt buộc với mỗi doanh nghiệp nói chung, trong ngành dệt may nói riêng phải thích ứng để thay đổi và đi xa hơn nữa vì một thế giới hội nhập và phát triển bền vững … Xác định đúng nhiệm vụ đặt ra trong hướng tới ngành dệt may Xanh, nhưng cần tiếp cận bình tĩnh, khoa học, lắng nghe và bám sát hơi thở của thị trường, của từng khách hàng lớn để quá trình đổi mới giữ được cân bằng trong doanh nghiệp và xác định bước đi chiến lược phù hợp cho từng đơn vị kinh doanh.../.

1) https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/825071/kinh-te-tuan-hoan-huong-toi-phat-trien-ben-vung-o-viet-nam.aspx;

2) Luật Bảo vệ môi trường 2020 số 72/2020/QH14;

3) https://www.vietnamplus.vn/xanh-hoa-det-may-thieu-chien-luoc-bai-ban-se-dan-mat-di-nang-luc-canh-tranh-post908861.vnp;