QMI Education – Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, đã có rất nhiều những câu chuyện cổ tích lớn lên cùng bao thế hệ trẻ em Việt Nam, cùng với đó là những bài học về cách làm người, về những giá trị nhân văn trong cuộc sống. Hôm nay, hãy cùng Học Tiếng Việt Online nghe truyện cổ tích Thạch Sanh nhé!

truyện cổ tích Việt Nam chọn lọc hay nhất

Thánh Gióng là truyện cổ tích Việt Nam quen thuộc với hầu hết mọi người. Chuyện kể từ thời vua Hùng thứ sáu có hai vợ chồng lương thiện nhưng mãi vẫn chưa có con. Một hôm người vợ ra đồng nhìn thấy một dấu chân rất to, bà ướm thử chân mình lên đó và khi về nhà thì bất ngờ mang thai. Sau mười hai tháng, bà đã sinh hạ một cậu bé và đặt tên là Gióng. Nhưng đến năm 3 tuổi mà cậu vẫn nằm ngửa đòi ăn, không biết ngồi, không biết lẫy, cũng không biết nói hay cười..

Ngày đó, giặc Ân xâm chiếm đất nước, vua cho sứ giả đi khắp nơi để tìm người tài. Khi người của nhà vua đi qua làng, cậu bé bỗng cất tiếng nói: “Mẹ cho gọi sứ giả vào đây cho con!”. Gióng chững chạc  yêu cầu sứ giả về tâu với nhà vua rèn cho mình một bộ giáp sắt, một con ngựa sắt và một cây roi sắt để đánh giặc.

Kể từ lúc ấy cậu bé lớn nhanh như thổi, cơm ăn mãi không no, cứ nấu lên được nồi nào Gióng lại ăn hết ngay nồi ấy. Nhà hết gạo, bà mẹ kêu gọi hàng xóm láng giềng đem gạo khoai, trầu, rượu, hoa quả, bánh trái mang đến đầy một sân. Khi quân sĩ hì hục khiêng được ngựa, gươm, áo giáp và nón sắt tới thì Gióng bước ra khỏi nhà vươn vai một cái, người bỗng cao to sừng sững, chân dài hơn trượng, hét lên một tiếng như tiếng sấm: “Ta là tướng nhà Trời!”.

Lưỡi gươm của Gióng vung lên nhanh như chớp giật. Quân giặc xông ra chừng nào chết hết chừng ấy. Ngựa sắt thét ra lửa thiêu cháy từng dãy đồn trại, lửa thiêu luôn cả mấy khu rừng. Gióng càng đánh càng khỏe, xác giặc nằm ngổn ngang chất thành đống. Bất ngờ gươm gãy, Gióng không chút bối rối, cậu thuận tay nhổ những bụi tre hai bên đường quật tới tấp vào các toán giặc. Chẳng mấy chốc quân giặc đã bỏ chạy khắp nơi, Ân vương bị quật chết tan xác.

Xong việc cậu cởi bỏ giáp sắt, từ biệt cha mẹ và bay về trời. Để ca ngợi  công ơn, vua đã phong cho cậu là Phù Đổng Thiên Vương và lập đền thờ tưởng nhớ.

Sự tích Thánh Gióng là bài ca về lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, sức mạnh đoàn kết và niềm tin chiến thắng của nhân dân ta. Truyện đã và đang tiếp tục giáo dục cho thế hệ trẻ về những giá trị tốt đẹp của dân tộc, góp phần hun đúc lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm bảo vệ quê hương đất nước.

Truyện cổ tích Việt Nam Tấm Cám kể về hai chị em cùng cha khác mẹ là Tấm và Cám. Tấm là cô gái hiền lành, nhân hậu, cha mất sớm nên phải sống chung với dì ghẻ và cô em tên Cám. Tấm luôn bị hai mẹ con ăn hiếp và đối xử bất công. Một hôm bà mẹ bảo hai chị em Tấm và Cám ra đồng đi bắt cá và dặn ai bắt nhiều hơn sẽ được thưởng. Tấm vâng lời dặn của mẹ, chăm chỉ bắt cá đầy giỏ, còn Cám mải rong chơi nên đến chiều vẫn chưa bắt được con nào. Thấy chị Tấm bắt được nhiều cá, Cám liền bày mưu lấy hết cá của chị bỏ vào giỏ mình. Tấm phát hiện và ngồi khóc nức nở thì bỗng nhiên ông Bụt hiện lên hỏi: “Tại sao con khóc?”. Tấm kể hết sự tình, sau đó trong giỏ Tấm xuất hiện con cá bống. Bụt dặn Tấm cho cá ăn mỗi ngày, lúc cho ăn thì nhớ gọi: “Bống bống bang bang, lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người.”

Mẹ con Cám biết chuyện liền bày kế cho Tấm đi chăn trâu xa, ở nhà bắt cá bống lên làm thịt. Đến chiều chăn trâu về, Tấm đem cơm ra giếng kêu mà không thấy bống lên, chỉ thấy nổi lên một cục máu đỏ. Bụt lại hiện lên và bảo Tấm về nhà lượm lấy xương cá bỏ vào bốn cái hũ và chôn dưới bốn chân giường.

Ít lâu sau, nhà vua mở hội, Tấm muốn đi nhưng dì ghẻ bắt cô ở nhà nhặt thóc, gạo đến khi xong thì mới được đi hội. Bụt hiện ra và sai một đàn chim sẻ xuống nhặt cho Tấm. Sau đó Tấm nghe lời Bụt đào bốn hũ xương lên, hũ thứ nhất mở ra là một bộ váy áo đẹp rực rỡ, hũ thứ hai là một đôi giày thêu rất đẹp, hũ thứ ba là một con ngựa, hũ cuối cùng là một yên cương vững chắc. Tấm vui mừng khôn xiết, vội thay đồ rồi lên đường tiến kinh. Ngựa đi một lúc đã tới kinh thành, nhưng chẳng may trên đường đi Tấm đã vô tình đánh rơi một chiếc giày không kịp nhặt.

Giữa lúc ấy, đoàn quân hộ tống nhà vua đi qua con đường mà Tấm đánh rơi mất giày. Nhà vua nhặt được và ra lệnh cho tất cả đàn bà con gái đi trẩy hội thử giày, nếu ai đi vừa chiếc giày thì sẽ lấy về làm vợ. Khi đến lượt Tấm thử giày, chiếc giày vừa như in, cô mang tiếp chiếc thứ hai đang cầm trong tay thì đúng là một đôi, nhà Vua thấy thế thì mừng rỡ, vội cho người rước nàng về cung..

Vì ghen tị, nhân ngày giỗ của cha, mẹ con Cám đã lừa Tấm trèo lên cây hái cau dâng bàn thờ cha và chặt cây hại chết Tấm. Sau đó, Cám tiến cung thay thế vị trí của Tấm. Tấm đã nhiều lần tái sinh dưới hình dạng chim Vàng Anh, xoan đoàn, khung cửi và quả thị. Khi Tấm biến thành quả thị, có bà lão đã đem về để trên gối, bà chỉ ngửi chứ bà không ăn. Hàng ngày bà ra chợ, đến lúc về nhà đã sạch sẽ tinh tươm, bà liền sinh nghi. Một lần bà giả vờ đi chợ thì thấy một cô gái chui ra từ quả thị, dọn dẹp và nấu cơm giúp bà. Chứng kiến cảnh đó bà liền chạy vội vào nhà xé vỏ quả thị và ôm chầm lấy cô Tấm. Từ đó, bà nhận cô làm con gái.

Tấm ở nhà giúp bà làm việc và phụ bà bán quán nước, Tấm còn biết têm trầu cánh phượng. Một lần nhà vua đi qua, dừng chân nghỉ bên quán nước, thấy trầu têm giống như Tấm têm ngày xưa. Nhà vua ngỏ ý muốn gặp con gái của bà, bà mới gọi Tấm ra, vua vui mừng khi nhận ra Tấm nên đã cho người đem nàng về cung. Về đến cung, Tấm kể rõ những sự tình cho nhà vua nghe, nhà vua tức giận xử tội mẹ con Cám, đuổi ra khỏi cung, vừa ra khỏi thành, mẹ con Cám bị sét đánh chết giữa đồng. Từ đó nhà Vua và Tấm sống hạnh phúc đến trọn đời.

Sự tích Tấm Cám ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của con người: hiền lành, tốt bụng, chịu thương chịu khó và giàu lòng vị tha. Truyện còn thể hiện niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng của cái thiện trước cái ác, minh chứng cho câu tục ngữ “Ở hiền gặp lành” của ông cha ta. Ngoài ra, tác phẩm còn có giá trị giáo dục sâu sắc, giúp con người rèn luyện phẩm chất đạo đức tốt đẹp và hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Xem thêm: Top những cuốn sách hay nên đọc ít nhất một lần trong đời

Quận Cao Bình ngày trước có đôi vợ chồng nhà nọ, tuổi cũng đã già nhưng chưa có mụn con nào. Gia đình nhà này rất nghèo, thường phải leo lên rừng để mà chặt củi, rồi đem đi đổi lấy gạo để mà nuôi hai thân già. Vì thương  đôi vợ chồng lương thiện nhưng mãi vẫn chưa có mụn con, Ngọc Hoàng đã sai Thái tử xuống đầu thai làm con của họ. Người mẹ mang thai suốt nhiều năm trời mới sinh được Thạch Sanh. Sau khi cha mẹ qua đời, chàng sống một mình dưới gốc đa bằng nghề đốn củi và tài sản duy nhất là chiếc rìu do cha để lại.

Một ngày nọ, có người làm hàng rượu là Lý Thông vô tình đi ngang qua và ngồi xuống nghỉ ngơi ở dưới gốc đa. Vừa lúc ấy, hắn trông thấy Thạch Sanh gánh củi từ trong rừng trở về. Lý Thông âm mưu lân la đến hỏi chuyện với Thạch Sanh. Vì hiền lành, cả tin nên Thạch Sanh đã bị Lý Thông gạt kết nghĩa anh em và bị hắn lợi dụng để kiếm tiền cho mẹ con mình.

Lúc bấy giờ ở vùng này có con chằn tinh vô cùng hung dữ, có nhiều phép biến hóa rất kỳ lạ, chuyên bắt người để ăn thịt. Đã không ít lần quan quân của triều đình tới tiêu diệt nhưng đều thất bại Sau cùng, không còn cách nào khác nên đành phải thương lượng, xây cho nó cái miếu thờ, hằng năm còn phải dâng cho nó một người, như vậy nó mới không đi phá phách khắp nơi.

Không may, năm ấy đến lượt của Lý Thông phải đi nộp mình cho chằn tinh. Hai mẹ con nhà hắn đã bày mưu lừa Thạch Sanh phải đi nộp mạng thay. Nhưng Thạch Sanh đã anh dũng chiến đấu và đem đầu của chằn tinh về nhà. Mẹ con Lý Thông lại tiếp tục lừa Thạch Sanh, nói dối với chàng con chằn tinh là thú nuôi của nhà vua, giết nó sẽ mang tội chết, nên hãy trốn vào rừng để tránh tội. Trong khi đó, Lý Thông mang đầu chằn tinh lên kinh gặp nhà vua để nhận thưởng.

Bấy giờ, công chúa đã đến tuổi cặp kê, nhà vua tổ chức hội lớn để cho tất cả những hoàng tử của các nước, cùng với tất cả thanh niên trai tráng trong thiên hạ về đây tụ hội để kén rể. Tuy nhiên, trong lúc lễ hội xảy ra, xuất hiện một con đại bàng sải cánh bay tới cắp công chúa đi. Khi ấy Thạch Sanh vô tình trông thấy con đại bàng kia bay ngang qua, dưới chân nó còn đương quắp người, tiện cung tên bên cạnh, chàng liền đưa lên bắn nó một phát. Thạch Sanh lần theo những vết máu của nó mà tìm đến được nơi trú ẩn của đại bàng.

Khi Thạch Sanh gặp lại Lý Thông thì đã kể hết sự tình cho hắn nghe. Lý Thông tiếp tục âm mưu nhờ Thạch Sanh cứu công chúa. Khi đưa được công chúa lên hang, Lý Thông sai người tới lấp kín cửa hang bằng một khối đá lớn, sau đó bỏ về. Công chúa ngày đó trở về cung thì hoá câm.

Trong hang động, Thạch Sanh giết chết đại bàng và cứu được con vua Thủy Tề, chàng được tặng một cây đàn và một niêu cơm. Bị hồn của chằn tinh và đại bàng vu oan trộm vàng, Thạch Sanh bị tống vào ngục.

Nhờ tiếng đàn của Thạch Sanh, công chúa đã chữa được bệnh câm, chàng được minh oan. Mẹ con Lý Thông thì bị trừng phạt, nhưng Thạch Sanh lại quá bao dung nên tha cho hai mẹ con hắn được trở lại quê nhà để làm ăn. Hai người vừa đi được nửa đường thì đã bị sét đánh chết tươi..

Về sau, khi đánh đuổi được quân chư hầu nhờ niêu cơm và tiếng đàn thần kỳ, Thạch Sanh đã được cưới công chúa và nối ngôi vua.

Sự tích Thạch Sanh - Lý Thông thể hiện niềm tin vào một xã hội công bằng, tốt đẹp, nơi người tốt được đền đáp, kẻ ác bị trừng trị. Tác phẩm còn ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người lao động: hiền lành, tốt bụng, chăm chỉ, luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Truyện cũng đề cao sức mạnh của sự đoàn kết, tương thân tương ái, khẳng định vai trò quan trọng của người lao động trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời, giáo dục con người về lòng nhân ái, sự trung thực, dũng cảm và tinh thần yêu nước.

Có hai anh em trong gia đình nọ, sau khi cha mẹ mất đã để lại một khối tài sản. Người anh tham lam giành hết của cải chỉ chừa cho người em một cây khế và túp lều nhỏ. Vợ chồng người em chăm chỉ làm ăn và chăm sóc cây khế chu đáo. Mùa khế ra quả bỗng có một con chim lạ đến ăn, thấy thế người em vác gậy đuổi, thì chim bèn đáp “Ăn một quả khế trả một cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng”.

Mấy hôm sau, chim lại đến ăn khế, ăn xong chim bảo người em lấy túi ba gang đi lấy vàng. Người em chạy vào nhà lấy chiếc túi ba gang đã may sẵn rồi leo lên lưng chim. Chim đến một hòn đảo đầy vàng bạc, châu báu. Người em đi khắp đảo nhìn ngắm thỏa thích rồi chỉ bỏ vàng đầy túi ba gang.

Từ đó, người em trở nên giàu có, người em mang thóc, gạo, vàng bạc… giúp đỡ những người nghèo khổ. Người anh biết chuyện nên yêu cầu đổi tài sản lấy cây khế của người em, người em cũng đồng ý đổi. Năm sau, cây khế lại sai trĩu quả, chim lại tới ăn và chở người anh đi lấy vàng. Nhưng vì tham lam người anh đã may túi quá to chim không chở nổi số vàng nên người anh đã bị rơi xuống biển và chết.

Truyện cổ tích Cây khế - Sự tích Ăn khế trả vàng đề cao giá trị nhân văn sâu sắc: sống hiền lành, chăm chỉ sẽ được đền đáp, còn sống tham lam, ích kỷ sẽ chuốc lấy hậu quả cay đắng. Đồng thời, tác phẩm cũng thể hiện niềm tin vào lẽ công bằng của cuộc sống: “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo".

Ngày xưa có chàng trai tên Khoai hiền lành, chất phác làm thuê cho gia đình một phú ông. Vì tin vào lời hứa sẽ gả con gái nếu chăm chỉ, chàng đã ra sức làm việc không ngại khó khăn. Ba năm sau, thời hạn làm thuê của chàng đã hết. Phú ông không muốn gả con gái cho chàng Khoai, ông ta đã bày mưu để đánh lừa chàng. Phú ông yêu cầu chàng  tìm bằng được cây tre trăm đốt để đem về làm đũa cho cả làng ăn cỗ cưới. Đợi Khoai đi khỏi làng, phú ông bèn gả con gái cho một tên nhà giàu khác ở trong làng.

Chàng Khoai đi vào rừng tìm mãi không thấy cây tre trăm đốt, chàng ôm mặt khóc thì Bụt hiện lên giúp đỡ. Bụt dạy chàng Khoai hai câu thần chú là “Khắc nhập, khắc nhập” để gắn một trăm đốt tre thành cây tre và “Khắc xuất, khắc xuất” để tách các đốt tre. Về tới nơi, thấy mọi người trong làng đang ăn cỗ cưới vui vẻ, chàng Khoai mới biết phú ông đã lừa mình.

Khi phú ông hỏi về cây tre trăm đốt thì chàng ẩm nhẩm đọc “Khắc nhập, khắc nhập” ba lần, tức thì các đốt tre dính liền lại thành cây tre. Phú ông nhìn thấy lạ quá, bèn chạy lại sờ tay vào cây tre. Chàng Khoai thấy vậy đọc luôn “Khắc nhập, khắc nhập”, phú ông và bọn nhà giàu bị dính ngay vào cây tre, không có cách nào gỡ ra được. Đến khi phú ông van xin và hứa gả con gái thì chàng đọc “Khắc xuất, khắc xuất” ba lần, tức thì cả bọn mới rời khỏi cây tre. Sau cùng, phú ông phải giữ lời hứa gả con gái cho chàng, hai vợ chồng sống bên nhau rất hạnh phúc. .

Nội dung truyện là lời nhắc nhở về luật nhân quả: người hiền lành, chăm chỉ và tốt bụng sẽ luôn được đền đáp, còn kẻ ác sẽ phải chịu quả báo. Qua đó, tác phẩm cũng giúp trẻ em phân biệt được những điều đúng sai, biết đối xử công bằng với mọi người.

Xem thêm: Top 10 truyện ngôn tình hiện đại Trung Quốc hay nhất hiện nay

Sự tích Trầu Cau là một câu chuyện quen thuộc trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Chuyện kể rằng, đời vua Hùng thứ ba có hai anh em tên Tân và Lang giống nhau như đúc. Hai anh em lớn lên thì cha mẹ qua đời. Cả hai thân thiết nhau không rời nửa bước. Người cha trước khi mất có gửi gắm Tân cho một đạo sĩ họ Lưu, Lang không chịu ở nhà một mình nên xin được học với anh.

Bấy giờ, đạo sĩ họ Lưu có cô con gái cùng lứa tuổi với họ. Để biết ai là anh, ai là em, một hôm cô gái họ Lưu bày ra một mẹo. Đương lúc họ đang đói, cô chỉ dọn cho họ một bát cháo với một đôi đũa. Cô thấy người này nhường cháo cho người kia ăn nên cô biết đó là người anh, từ đó đem lòng yêu mến. Cô gái gặp Tân, hai người lấy nhau, Lang cũng về ở chung với anh chị.

Một hôm Lang và Tân cùng lên nương đến tối mịt mới về. Lang về trước làm vợ Tân nhầm liền ôm chầm lấy, lúc đó Tân bước vào nhà và ghen em, không còn thân thiết với Lang. Lang vì đó mà buồn rầu và bỏ nhà đi. Đến một con suối, vì mệt quá, Lang gục xuống chết và biến thành một tảng đá vôi. Tân ở nhà không thấy em đâu cũng thảng thốt đi tìm, cuối cùng cũng gục chết và hóa thành cây cau bên cạnh tảng đá vôi. Người vợ sau đó cũng tất tả đi tìm chồng, đến khe suối, nàng cũng dựa vào thân cau mà chết, sau đó biến thành dây trầu không.

Về sau, vua Hùng đi tuần thú, dừng chân nghỉ mát dưới gốc cây cau, thấy chuyện lạ bèn truyền hái lá trầu, ăn với trái cau và vôi. Thấy mùi vị thơm nồng, có sắc đỏ tươi vua truyền cho thiên hạ trồng cau trầu và lấy trầu cau làm lễ trong các dịp cưới hỏi, tế lễ.

Sự tích Trầu Cau đề cao giá trị hạnh phúc gia đình, ca ngợi tình yêu, lòng thủy chung và sự hy sinh. Đồng thời, tác phẩm còn mang đậm giá trị văn hóa Việt Nam với hình ảnh cây trầu cau gắn liền với những nghi lễ, phong tục tập quán.